Hơn 400 ha sâm Ngọc Linh ở Kon Tum đã được bảo tồn 21 năm qua.
Hơn 400 hecta sâm được trồng 21 năm dưới tán rừng Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) chưa một lần khai thác. Nguồn sâm giống này hàng năm sinh sôi phủ kín dưới tán cây rừng.
Từng là thành viên trong nhóm điều tra, khảo sát trữ lượng sâm Ngọc Linh tại vùng núi cùng tên thuộc tỉnh Kon Tum. Theo thống kê, năm 1978 toàn bộ vùng núi Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei có 108 vùng sâm mọc tự nhiên. Sâm mọc dưới những tán rừng ẩm ướt, ven các con suối. Ước tính thời điểm đó sản lượng khoảng 300 tấn tươi, độ tuổi trên 10 năm", PGS.TS. Trần Công Luận, Nguyên giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP HCM thuộc Viện Dược liệu, Bộ Y tế cho biết. (ảnh tư liệu).
Hàng ngày có hàng trăm người là đồng bào dân tộc Xê Đăng thuộc ba xã Ngọc Lây, Tê Xăng và Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) tham gia trồng, bảo vệ, và chăm sóc toàn bộ diện tích sâm.
Cây sâm nhỏ là nguồn giống để ươm trồng dưới tán cây rừng.
"Vùng trồng sâm Ngọc Linh không bị hạn chế, có thể trồng bất kỳ đâu ngoài tự nhiên với độ cao 1.500m trở lên, rừng nguyên sinh, có tán rừng, khí hậu, độ ẩm, môi trường,... Viện khảo sát đã di thực giống sâm này về ở Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo và ra khỏi vùng núi Ngọc Linh. Tuy nhiên hàm lượng hợp chất trong củ sâm thấp", PGS.TS. Trần Công Luận nói.
Khu trồng sâm thường có nhiều người trông giữ ngày đêm. Mỗi luống sâm được đánh số để phân loại năm trồng, số lượng cây trong luống giúp tiện cho việc quản lý theo dõi.
Vùng sâm đã tạo việc làm cho hơn 300 hộ dân của 20 thôn của 3 xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lei. Ngoài ra, từ năm 2011, mỗi năm hơn 50.000 cây sâm giống đã được cấp miễn phí cho người dân tự trồng để tăng thu nhập và nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ loài cây đặc hữu quý giá của vùng núi này.
Cây sâm Ngọc Linh bắt đầu vươn cao từ đầu mùa xuân. Theo nghiên cứu khoa học cây sâm có thể sống nghìn năm. Sâm tồn tại trong thời gian dài là do phát triển thân rễ trong đất, nếu đúng môi trường, nhiệt độ, thời tiết, điều kiện sống thì cây vẫn tồn tại. Mỗi năm mầm lại chồi lên mắt đất, đến mùa đông thân lá lụi đi.
Sâm có 9 tháng phát triển, 3 tháng ngủ đông. Mỗi năm cây mọc chồi lên mặt đất và tàn để lại một đốt. Tuy nhiên có nhiều cây sâm mọc ở nơi có đất tốt sẽ có ít đốt, nên không thể nhìn mắt củ để chuẩn đoán năm.
Trước đó vào tháng 5/2011 tỉnh Kon Tum đã lần đầu tiên công bố kết quả sau hơn 13 năm nghiên cứu, bảo tồn, phát triển vườn sâm gốc. Tại thời điểm đó vườn giống gốc sâm Ngọc Linh đã đạt được diện tích trên 140 hécta.
Sâm trồng sau 7 năm là có thể thu hoạch để đảm bảo lượng sinh khối.
Tháng 8 Dương lịch hàng năm là thời điểm thu hạt, đây là giai đoạn cây cuối thời kỳ phát triển, hạt sẽ chín đỏ và phần thân lá lụi tàn.
Sau một mùa, hàng triệu hạt sâm lớn nhỏ được thu hoạch và bảo quản nơi thoáng mát. Thông thường hạt sẽ được ươm khi còn tươi. Giá hạt sâm Ngọc Linh từ 100.000 đồng một hạt.
Sâm chia làm ba loại 20 củ/kg, 30 củ/kg, và củ nhỏ, bán từ 65 triệu đồng đến 150 triệu đồng/kg tùy loại.
Củ sâm Ngọc Linh chứa hàm lượng saponin MR2 chiếm tới 50% hàm lượng saponin toàn phần, có tác dụng tiêu tế bào lạ, tái tạo tế bào lành, hạn chế khối u phát triển, phòng chống các mầm mống gây ung thư.
Sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam, sâm K5, sâm Trúc) là một loại sâm quý đặc hữu của Việt Nam, được dược sĩ Đào Kim Long phát hiện vào năm 1973 trên núi Ngọc Linh, tiếp giáp 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Sâm Ngọc Linh nằm trong bốn loài sâm quý thế giới (sâm Ngọc Linh, sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Trung Quốc) bởi có trong nhóm cấu trúc saponin khung dammaran giá trị cao. Điều đặc biệt, số lượng saponin của sâm Ngọc Linh chiếm tỷ lệ cao, nổi trội với 52 hợp chất nằm ở phần thân dưới, rễ, củ (sâm Triều Tiên dưới 40 hợp chất).
Nguồn https://kinhdoanh.vnexpress.net/photo/hang-hoa/rung-sam-hon-400-ha-tren-nui-ngoc-linh-3804921.html