Các chuyên gia dinh dưỡng Hàn Quốc tiết lộ, không chỉ tuyển thủ ở đất nước này mà cả các vận động viên nhiều nước khác trên thế giới cũng đưa nhân sâm vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Ông Ko Tae Hun, chuyên gia dinh dưỡng Hàn Quốc có 40 năm kinh nghiệm tư vấn, nói: "Chế độ dinh dưỡng đủ lượng đủ chất là yếu tố quan trọng giúp nền tảng thể lực của các cầu thủ được nâng cao”.
Theo ông Ko, trong thực đơn, ngoài món ăn chính, một cầu thủ mỗi lần ăn một con gà hầm sâm, mỗi tuần dùng một bữa kết hợp với cơm ngũ cốc. “Gà hầm sâm, cơm ngũ cốc có trong thực đơn của hầu hết các đội bóng ở Hàn Quốc. Các món ăn này rất bổ dưỡng có tác dụng nâng cao sức khỏe và thể lực cho cầu thủ. Chúng tôi luôn đảm bảo món ăn được chế biến đúng quy chuẩn từ nguyên vật liệu quý và bổ dưỡng", ông Ko Tae Hun cho biết.
Món gà hầm sâm có các thành phần gồm nhân sâm tươi nguyên củ 5-6 năm, hoàng kỳ, thiên cung, táo đỏ, hạt dẻ và gà nguyên con. Cơm ngũ cốc gồm cơm trắng hoặc cơm nâu nấu cùng 5 loại ngũ cốc: đậu đỏ, hạt kê, gạo nếp, susu và lúa mì. Mỗi ngày các cầu thủ uống hai lần nhân sâm để tăng cường hồi phục sau khi luyện tập, nhờ vậy thể lực tốt hơn.
Thể lực tốt của các cầu thủ Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Park Hang-Seo là một trong những bất ngờ với người hâm mộ.
Trong ảnh, cầu thủ Việt Nam ôm nhau mừng bàn thắng của Văn Toàn trận đấu với Syria tối 27/8. Ảnh: L.T.
Nhân sâm là món ăn quốc dân của người Hàn Quốc. Nhân sâm được người dân xứ này trồng từ rất lâu đời và xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Sâm nổi tiếng nhất Hàn Quốc được trồng ở núi Geumsan do điều kiện đất đai, khí hậu tại đây thuận lợi.
Trong cuốn Thần Nông bản thảo kinh, nhân sâm được miêu tả có vị ngọt, hơi lạnh, tác dụng an thần, tăng sức đề kháng, tăng khả năng phòng vệ đối với các kích thích có hại cho cơ thể. Những người bị ngất xỉu do choáng váng, bị sốc hoặc mất máu, mất sức thường được cho dùng nhân sâm để hồi phục huyết áp, ổn định cơ thể trong thời gian ngắn. Nhân sâm còn giúp cơ thể giảm mệt mỏi, tăng khả năng tư duy và thể lực nhờ dược tính hỗ trợ gia tăng quá trình ức chế và hưng phấn vỏ não, phục hồi nhanh.
Theo y học hiện đại, nhân sâm có các thành phần hợp chất hữu cơ quan trọng như Germanium, Glycoside Panaxin cùng với các vitamin B1, vitamin B2, các axit béo như Panmitic, Streari, Linoleic và các axitamin. Những chất này đều có tác dụng đại bổ nguyên khí, bồi bổ sức khỏe, nâng cao thể lực con người. Đặc biệt, nhân sâm có công dụng tuyệt vời trong việc bồi bổ trí não, phát triển tư duy, trí tuệ, tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa lão hóa. Ngoài ra, sâm còn được dùng để hỗ trợ điều trị trong trường hợp bệnh nhân thiếu máu, mắc các bệnh viêm dạ dày, hen suyễn hoặc phổi tắc nghẽn mạn tính...
Nhân sâm Hàn Quốc có rất nhiều loại như sâm tươi, bạch sâm, hồng sâm, thái cực sâm... Mỗi loại sâm có công dụng riêng đối với sức khỏe. Loại sâm được dùng phổ biến nhất là hồng sâm, có nguồn gốc từ những củ nhân sâm 6 năm tuổi đem hấp chín khô cho tới khi ruột sâm có màu hồng. Trong quá trình chưng hấp, hồng sâm sinh thêm nhiều chất bổ dưỡng nên được đánh giá tốt hơn nhân sâm và tốt cho tất cả mọi người kể cả già trẻ trai gái.
Vì những lợi ích sức khỏe này, nhân sâm được người Hàn Quốc dùng để ăn uống hàng ngày, trở thành một món ăn quốc hồn quốc túy. Người Hàn Quốc phát triển công nghệ chế biến và bảo quản nhân sâm tươi thành nhiều chế phẩm khác nhau. Thông thường, sâm được dùng theo cách đơn giản là uống trà, uống rượu hoặc chế biến thành các món ăn như súp, canh, cháo, làm kim chi. Chẳng thế mà Hàn Quốc còn được biết đến với cái tên là "xứ sở nhân sâm".
Người Hàn Quốc dùng sâm chế biến thành nhiều món ăn. Ảnh: Seoulcitytour
Người Hàn Quốc phân loại nhân sâm thành các sản phẩm sau:
Sâm tươi
Là loại sâm vừa được thu hoạch và để nguyên trạng thái tự nhiên vẫn còn dính một lớp đất mỏng trên mình củ. Sâm tươi dùng để ngâm rượu, xay nhỏ cho vào sữa, làm nước sâm, trà sâm, sâm tẩm mật ong, nấu gà tần sâm, làm bánh sâm...
Bạch sâm
Từ nguyên liệu sâm tươi, sau khi lột một lớp vỏ mỏng sâm được đem phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên cho đến khi chỉ còn dưới 14% thành phần nước. Lúc đó vỏ sâm có màu trắng sữa nên được gọi là bạch sâm. Vì đã được chế biến thành loại sâm khô nên có thể bảo quản trong thời gian lâu dài.
Hồng sâm
Sâm tươi đem hấp chín khô cho tới khi thành phần nước chỉ còn dưới 14% nên ruột sâm có màu hồng và được gọi là hồng sâm. Trong quá trình chưng hấp, hồng sâm sản sinh thêm nhiều chất bổ dưỡng nên được đánh giá tốt hơn nhân sâm.
Thái cực sâm
Sâm tươi đun trong nước sôi ở nhiệt độ cao một thời gian dài. Khi lớp vỏ và một phần thân sâm dần chuyển sang màu đỏ thì vớt ra và sấy khô. Thái cực sâm có hình dáng, màu sắc ở giữa bạch sâm và hồng sâm. Do được chế biến trong nhiệt độ cao nên thái cực sâm cũng có dưỡng chất tác dụng tốt như hồng sâm.
Nguồn: https://vnexpress.net/suc-khoe/nhan-sam-han-quoc-mon-an-giup-tang-cuong-the-luc-cau-thu-3799280.html#ctr=related_news_click