Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, quốc kế dân sinh chứ không phải để tủ kính.
TTO - Chiều 6-8, tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam, báo Tuổi Trẻ và UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức Hội thảo 'Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia'. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến tham dự.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội thảo - Ảnh: TẤN LỰC
Tham dự hội thảo có các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về sâm, các chuyên gia về phát triển thương hiệu, đại diện nhiều bộ ngành như nông nghiệp, công thương, du lịch... và các doanh nghiệp đồng hành như Công ty TNHH Triết Minh, Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, Công ty cổ phần Capella Group.
Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá toàn diện về cơ chế, chính sách và thực trạng quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh hiện nay, tìm ra các giải pháp thúc đẩy mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh.
Bên cạnh đó, tạo động lực hiện thực hóa "Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam" với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực, nâng cao giá trị của sâm Ngọc Linh, góp phần đưa sâm Ngọc Linh trở thành một thương hiệu quốc gia.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý đã đưa ra thông tin chi tiết về Đề án phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Đồng thời, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sâm chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, đưa ra giải pháp bảo vệ, nuôi trồng sâm Ngọc Linh hiệu quả, đồng thời đa dạng hóa công nghiệp chế biến sâm Ngọc Linh, các bí quyết để xây dựng, quảng bá thương hiệu, phát triển du lịch nhờ sâm Ngọc Linh.
Các doanh nghiệp về sâm cũng trao đổi kinh nghiệm về quy trình trồng, sản xuất sâm đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, bao bì đóng gói, nhãn mác, thương hiệu uy tín, quản lý theo quy chuẩn trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ hội thảo, ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cùng ông Lê Ngọc Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - đã ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ, vận động thành lập Hiệp hội Sâm Ngọc Linh Việt Nam dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành.
"Sâm Ngọc Linh không phải để trong tủ kính"
Lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ vận động thành lập Hiệp hội Sâm Ngọc Linh Việt Nam - Ảnh: TẤN LỰC
Dự hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết vài năm trước, khi đang là Thủ tướng tham gia một hội thảo sâm Ngọc Linh, ông đã nói sâm Ngọc Linh là quốc bảo, nhưng không chỉ là quốc bảo mà còn đi liền với quốc kế dân sinh. Ý rằng sâm Ngọc Linh không phải để trong tủ kính mà phải được chế biến, sản xuất, giải quyết nhiều việc làm, an sinh xã hội và đóng góp thực sự xây dựng thương hiệu quốc gia.
Ông đánh giá cao hai tỉnh và báo Tuổi Trẻ đã tổ chức hội thảo, đây là việc làm có ý nghĩa để thực hiện quốc kế dân sinh cho người dân.
Chủ tịch nước nói rằng Kon Tum và Quảng Nam đã làm được nhiều việc để giữ gìn, phát triển sâm Ngọc Linh. "Hôm nay chúng ta không chỉ nói về cơ chế chính sách tạo động lực phát triển sâm Ngọc Linh mà còn nhắc nhở tìm tòi những biện pháp tốt nhất, phù hợp nhất để phát triển cây quốc kế dân sinh này, đem lại hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu, thực phẩm chức năng, cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, và cả Trung Quốc, các nước trên cũng có một sản lượng sâm rất lớn và họ đã chế biến sản xuất ra hàng trăm sản phẩm từ sâm", ông nói.
Chủ tịch nước cũng kể rằng trước đây sâm Ngọc Linh ít, bây giờ chúng ta đã có những phiên chợ sâm Ngọc Linh với sản lượng lớn. "Muốn làm quốc kế dân sinh thì phải có sản lượng lớn chứ không phải nhỏ giọt được, việc này đang được Quảng Nam, Kon Tum quan tâm. Tuy nhiên so với các nước, quy mô về sản lượng sâm của chúng ta còn khiêm tốn, chất lượng cần cải thiện hơn, thị trường giá cả còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm giải quyết" - ông nói.
Những vấn đề lớn đặt ra hiện nay của sâm Ngọc Linh là thay đổi thời tiết, khí hậu làm sâm chết, sâm giả Ngọc Linh, khoa học công nghệ vẫn còn hạn chế, nhất là bảo tồn nguồn giống.
Việc bảo tồn, phát triển sâm của chính quyền, người dân, doanh nghiệp thời gian qua mới chỉ là bước đầu, chưa phải một thương hiệu quốc gia hùng mạnh, mang ích nước lợi dân. Sâm Ngọc Linh ngoài những giá trị về sức khỏe còn ẩn giấu những tiềm năng kinh tế to lớn, đồng thời là cơ hội khẳng định niềm tự hào dân tộc.
Những củ sâm Ngọc Linh tươi trên 10 năm tuổi trồng tự nhiên được giới thiệu tại triển lãm sâm sáng 6-8 - Ảnh: TẤN LỰC
Chủ tịch nước cho rằng với tiềm năng, sản phẩm và giá trị sâm Ngọc Linh rất lớn, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp sâm và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam với mục tiêu tỉ đôla. Vì vậy còn rất nhiều việc đòi hỏi chúng ta phải làm nghiêm túc, bài bản, không chỉ Kon Tum, Quảng Nam mà còn nhiều nỗ lực, tâm huyết trong triển khai chiến lược, có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ, bộ ngành.
Ông cũng yêu cầu một số việc như vừa bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, ưu tiên chất lượng; các nhà sản xuất và cơ quan nghiên cứu cần học hỏi cách làm của Hàn Quốc, đại chúng hóa sản phẩm, đưa phân khúc từ thấp tới cao, hướng ra toàn cầu; bảo vệ nguồn gene thuần chủng không lai tạp, nhầm lẫn với các loại sâm khác, làm tốt chỉ dẫn địa lý; sâm Ngọc Linh ở núi Ngọc Linh di thực sang các vùng khác được không, điều kiện nào làm được sâm Ngọc Linh; bảo hộ hiệu quả giá trị thương hiệu và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia, không đơn thuần là nhãn hiệu thuần túy của một doanh nghiệp.
Đánh giá cao ý tưởng của báo Tuổi Trẻ về xây dựng thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh, Chủ tịch nước yêu cầu ứng dụng công nghệ dược liệu cho sâm Ngọc Linh cạnh tranh với các loại sâm tốt trên thế giới; kêu gọi các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển sâm Ngọc Linh, đầu tư nghiên cứu sản xuất chế biến nhân sâm, tạo nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm từ sâm. "Hệ thống sản phẩm từ sâm Ngọc Linh hiện chưa ổn lắm, trăm hoa đua nở nhưng chưa quản lý tốt", ông nhận xét.
Đối với sâm thì đất và rừng là yếu tố không thể thay thế, vì vậy người dân và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ để giữ rừng. Sâm Ngọc Linh không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng phải được hưởng lợi. Cần sự chung tay vào cuộc của các cấp ngành, cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân địa phương trong việc bảo tồn, phát triển.
Chủ tịch nước mong hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam thực hiện tốt chiến lược nuôi trồng, làm sao đưa cây sâm Ngọc Linh vươn ra thị trường trong nước và toàn cầu, lấy mô hình Hàn Quốc làm bài học kinh nghiệm, biến sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia, quốc bảo của Việt Nam.
Giấc mơ tỉ đô trên đỉnh núi
Ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: TẤN LỰC
Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - kể câu chuyện: Cách đây đúng 7 năm, trên báo Tuổi Trẻ có một bài viết với tựa đề: "Giấc mơ tỉ đô trên đỉnh núi" - đỉnh núi đó là núi Ngọc Linh nằm ở địa phận hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Còn giấc mơ tỉ đô chính là giấc mơ vào sự phát triển của cây sâm Ngọc Linh.
Trong bài viết ấy đã dẫn lời của chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, đó là "cây lúa và cá da trơn giúp người miền Tây rất nhiều, tại sao miền Trung và Tây Nguyên không phát triển cây sâm để người dân thoát cái nghèo dai dẳng". Chủ tịch huyện ngày ấy giờ là phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Cách đây vài hôm, các báo đồng loạt đưa tin về lễ hội sâm Ngọc Linh lần 4 Nam Trà My, với những câu chuyện hết sức thú vị, hấp dẫn: cây sâm 20 năm tuổi có 9 nhánh giá 900 triệu đồng…
"Đó là chuyện ở Quảng Nam, còn Kon Tum thì sao? Xin quý vị hãy nhìn vào Giải vô địch bóng đá quốc gia Việt Nam năm nay đã được một doanh nghiệp sâm Ngọc Linh ở Kon Tum là K5 tài trợ trong ba năm với giá trị hợp đồng 100 tỉ đồng. Xưa nay chỉ có những thương hiệu thật lớn mới đủ sức tài trợ chính cho môn thể thao vua tại Việt Nam là bóng đá. Vậy mà giờ đây một thương hiệu của sâm Ngọc Linh đã có mặt.
Nhưng như thế liệu đã đủ để đạt giấc mơ tỉ đô? Cái đích ấy vẫn còn xa. Làm sao để sâm Ngọc Linh phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, đó là câu hỏi mà từ những lãnh đạo cao nhất của đất nước, nhà khoa học, doanh nhân đều đau đáu đi tìm câu trả lời, nhằm đưa cây sâm quý Ngọc Linh trở thành quốc kế dân sinh như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nói khi ông còn là Thủ tướng.
Trong sự đau đáu ấy có cả những người làm báo chúng tôi, và đây là lý do báo Tuổi Trẻ hân hạnh cùng với các địa phương tổ chức hội thảo", nhà báo Lê Thế Chữ chia sẻ.
Ông Hồ Quang Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Ảnh: TẤN LỰC
Ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - nhấn mạnh hội thảo lần này vừa thể hiện niềm tin, vừa là tinh thần, tạo động lực thúc đẩy về trách nhiệm của địa phương và các đối tác, các doanh nghiệp liên quan đối với phát triển sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia.
Tại Quảng Nam, có trên 1.600 hecta với 20 doanh nghiệp và nhóm hộ, người dân đã thuê rừng trồng sâm Ngọc Linh. Trong thời gian qua, thu nhập và đời sống người dân vùng trồng sâm được nâng lên đáng kể, có nhiều gia đình tài sản lên đến hàng chục tỉ, điều kiện sinh hoạt, đi lại, nhà cửa khang trang.
Tuy nhiên để sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, định hướng và tập trung đầu tư nhiều hơn nữa.
Việc tổ chức hội thảo lần này hết sức có ý nghĩa, góp phần khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, người dân tiếp tục đầu tư cho bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, đồng thời cũng sẽ là nguồn thông tin hỗ trợ cho Quốc hội, Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách vĩ mô; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có những quyết sách đúng đắn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-sam-ngoc-linh-la-quoc-bao-quoc-ke-dan-sinh-chu-khong-phai-de-tu-kinh-2022080613015445.htm